Tranh giành thị phần
Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành xi măng Việt Nam đã bổ sung thêm 3 dây chuyền mới đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thiết kế lên 88 triệu tấn. Trong khi đó, theo dự báo, cả năm 2016, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 59-60 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với năm 2015 và xuất khẩu thấp hơn so với năm ngoái, khoảng 15,5-17 triệu tấn xi măngvà clinker.
“Giai đoạn năm 2017-2020, công suất ngành xi măng sẽ tiếp tục tăng khi có thêm những những dự án lớn đi vào vận hành. Tương lai ngành xi măng không thể sáng sủa, các doanh nghiệp sản xuất xi măng chắc chắn sẽ khó khăn khi tiêu thụ trong nước không tăng đột biến, xuất khẩu xi măng và clinker sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, đại diện một doanh nghiệp xi măng, cho biết.
Đáng lưu ý, 2/3 dây chuyền mới nêu trên của Tập đoàn Xi măng The Vissai và Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư với sản lượng xi măng lớn, nằm cạnh nhau trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, đồng thời ra mắt thị trường trong cùng một thời điểm, phần nào gây ra xáo trộn và áp lực thêm cho thị trường xi măng vốn đã trong tình trạng cung vượt cầu.
Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong năm 2017, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt về tranh giành thị phần giữa các nhà sản xuất. Nếu không lo tốt đầu ra từ mảng xuất khẩu, nhất là các dự án công suất lớn, thì cạnh tranh không lành mạnh, phá giá thị trường rất dễ xảy ra. Chưa kể, tại khu vực này, còn Dự án Xi măng Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), công suất 2 triệu tấn/năm đang trong thời kỳ xây dựng. Nhà máy sẽ có sản phẩm ra mắt thị trường vào cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, còn có một loạt nhà máy xi măng đang hoạt động như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai, Xi măng Sông Lam 2… Theo ông Trịnh Quang Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sơn, thị trường tiêu thụ chính của xi măng Long Sơn sẽ tập trung ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung, trong đó không thể thiếu Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Xi măng The Vissai, khẳng định sẽ dành 50% sản lượng tiêu thụ nội địa, phần còn lại mới dành cho xuất khẩu. Rõ ràng, hầu hết doanh nghiệp xi măng đều e ngại thị trường xuất khẩu do không còn thuận lợi như trước đây, do đó tập trung mở rộng tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy, trong tương lai gần “cuộc chiến” giành miếng bánh thị phần tại thị trường trong nước sẽ thêm khốc liệt.
“Những doanh nghiệp xi măng từ trước đến nay chưa từng hoặc yếu trong khâu xuất khẩu sẽ phải đứng trước nguy cơ giảm, giãn và thậm chí đóng cửa”, đại diện Bộ Công thương đưa ra cảnh báo.
Xuất khẩu khó khăn
Trong khi cung vượt cầu ở thị trường nội địa, thì hiện các doanh nghiệp xi măng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn tại thị trường xuất khẩu do sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước láng giềng sản xuất xi măng như Thái Lan, Trung Quốc, mặc dù đã chấp nhận mức giá xuất khẩu giảm khoảng 8%-13%.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù Việt Nam có ngành công nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 58 nhà máy xi măng với tổng công suất gần 90 triệu tấn/năm nhưng lượng xuất khẩu so với Thái Lan lại thấp hơn rất nhiều.
Cụ thể, Thái Lan hiện chỉ có khoảng 11 nhà máy xi măng với công suất 46,7 triệu tấn/năm, nhưng đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Thái Lan chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng, số còn lại hơn 34 triệu tấn dành phục vụ xuất khẩu hàng năm. Lợi thế của xi măng Thái Lan là nhờ đã thâm nhập vào thị trường quốc tế từ rất lâu trong khi Việt Nam mới xuất khẩu xi măng và clinker từ năm 2010.
Chưa kể, Thái Lan cạnh tranh chính là chất lượng và vận chuyển nhanh và luôn được khách mua ưu tiên chọn vì đã có quan hệ truyền thống lâu đời, càng khiến doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận. Tương tự, mặt hàng xi măng Việt Nam đang phải đối mặt với xi măng Trung Quốc, đặc biệt về giá. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hai năm gần đây xuất khẩu xi măng và clinker trong nước gặp khó khăn do Trung Quốc tăng lượng xuất khẩu và giảm giá bán. Dù doanh nghiệp xi măng trong nước giảm giá để cạnh tranh nhưng vẫn cao hơn giá bán ra của xi măng Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn, dự báo về biến động thị trường còn yếu, chưa nhạy bén khiến công tác định hướng xuất khẩu sản phẩm xi măng càng gặp khó khăn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, ngoài cạnh tranh với các đối thủ láng giềng, trong thời gian tới, xuất khẩu xi măng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30 USD/ tấn) và tăng 7,5 USD/ tấn xi măng (theo giá FOB bình quân 50 USD/ tấn) do những quy định mới.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất xi măng và clinker đã chủ động triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, nghiên cứu lắp đặt các thiết bị thu hồi nhiệt khí thải để có thể tự cung cấp một phần năng lượng…
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh, hoãn áp dụng các luật, nghị định, chính sách thuế đối với mặt hàng xi măng và clinker xuất khẩu nhằm hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu.
“Trong một thị trường ngày càng có nhiều nhà cung cấp lớn, thì cạnh tranh không chỉ đơn thuần về giá, chất lượng, mà đi kèm theo đó là các dịch vụ hậu cần, yếu tố quan trọng cho nhà sản xuất nào muốn bán được xi măng cả trong nước lẫn kênh xuất khẩu”, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tại Việt Nam Anirban Lahiri, nêu thêm giải pháp.
Tổng Cộng: ( Sản phẩm)